Nghẹt mũi là hiện tượng phổ biến xảy ra ở trẻ sơ sinh. Việc này khiến hô hấp của trẻ gặp trở ngại. Vậy trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao? Bố mẹ hãy cùng tham khảo cách xử lý dưới đây nhé!
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Nghẹt mũi là tình trạng khoang mũi bị tắc nghẽn do dịch nhầy ngăn bít, làm hẹp đường di chuyển của không khí khiến việc hít thở trở nên khó khăn. Tình trạng này thường khiến trẻ cảm thấy khó chịu do ở độ tuổi này trẻ chưa học được cách thở bằng miệng. Nghẹt mũi không làm bé bị chảy nước mũi nhưng trẻ gặp rắc rối khi ngủ và ăn uống.
Nghẹt mũi xảy ra khi mạch máu và các mô trong khoang mũi bị lấp đầy bởi chất lỏng quá nhiều. Điều này có thể làm cho bé bị khó ngủ và dẫn đến các vấn đề nhiễm trùng xoang (viêm xoang).
Bệnh cảm thông thường là nguyên nhân chính gây nghẹt mũi ở trẻ mới biết đi. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh gặp tình trạng này cũng có thể do một số vấn đề khác như:
- Cảm cúm đôi khi có thể kèm theo biểu hiện sốt nhẹ hoặc biếng ăn
- Dị ứng phấn hoa, bụi nhà hoặc một số món ăn
- Viêm xoang
- Thời tiết thay đổi hay độ ẩm không khí giảm
- Chất gây kích thích như bụi, khói thuốc lá hoặc nước hoa
- Các bệnh do virus (như cảm lạnh). Bố mẹ nên lưu ý trẻ có thể mắc bệnh này ngay cả khi thời tiết nóng bức. Một số trường hợp trẻ nô đùa trong phòng có điều hòa mà ra mồ hôi cũng dễ bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Dị vật trong mũi. Tình huống này nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, trẻ rất dễ bị ngạt, chảy máu mũi thậm chí đe dọa tính mạng
- Ngạt mũi sơ sinh do nước nhầy bào thai chưa được lấy sạch khỏi đường hô hấp của trẻ. Do đó, có hiện tượng trẻ sơ sinh vừa về nhà đã bị nghẹt mũi.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao?
Dấu hiệu phổ biến ở trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là sổ mũi, thở khò khè, quấy khóc. Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi rất dễ chuyển thành ho có đờm. Do bé còn quá nhỏ nên không biết khạc đờm ra ngoài dẫn đến tình trạng ho khan, nôn trớ, viêm họng… Khi này, bạn có thể xử lý tình trạng nghẹt mũi ở trẻ bằng các cách sau:
Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao? Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch mũi, sát khuẩn, ngăn ngừa các vi khuẩn tiếp tục tấn công khoang mũi khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Ngoài ra, nhỏ mũi còn giúp làm mềm các vảy cứng, làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi, giúp dịch nhầy dễ dàng đào thải ra ngoài hơn. Nhỏ mũi khiến mũi thông thoáng hơn, ít nhất là trong một thời gian ngắn, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ thở.
Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% và vệ sinh khoảng 3 – 5 lần/ngày, đặc biệt là trước khi cho trẻ bú và đi ngủ.
Cách nhỏ mũi cho trẻ: bế trẻ nằm ngửa, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi, chờ khoảng vài phút, lau sạch nước muối thừa chảy ra ngoài. Chú ý, không nhỏ mũi bằng nước muối quá 4 ngày liên tiếp vì có thể làm khô dịch mũi của trẻ.
Hút mũi cho trẻ
Hút mũi giúp lấy bớt dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ ra ngoài, trẻ sẽ cảm thấy dễ thở hơn.
Sau khi nhỏ nước muối sinh lý, dịch nhầy được làm loãng hơn, cha mẹ có thể tiến hành hút mũi cho trẻ. Sử dụng dụng cụ hút mũi chuyên dụng. Vệ sinh sạch sẽ trước khi dùng để không làm tình trạng viêm mũi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Không hút mũi cho trẻ quá nhiều lần trong 1 ngày, có thể làm kích ứng niêm mạc mũi của trẻ.
Lưu ý, bố mẹ tuyệt đối không hút mũi cho trẻ bằng miệng vì có thể khiến vi khuẩn từ miệng người hút lây sang trẻ.
Xông hơi
Hơi nước sẽ làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ. Đồng thời cung cấp độ ẩm và làm mũi trẻ ấm hơn. Xông hơi giúp thông mũi, giảm ho, đặc biệt phù hợp với tình trạng nghẹt mũi do cảm lạnh..
Xông hơi cho trẻ bằng máy xông hơi chuyên dụng hoặc có thể xả nước nóng vào chậu và bế bé bên cạnh sao cho bé ngửi được hơi nước bốc lên. Chú ý cẩn thận để trẻ không bị bỏng.
Bổ sung độ ẩm không khí trong phòng
Không khí quá khô vào mùa đông hay cho trẻ nằm quá lâu trong phòng điều hòa có thể là nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và là yếu tố tác động khiến tình trạng nghẹt mũi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Cha mẹ nên bổ sung độ ẩm không khí bằng cách chạy máy giữ ẩm để lỗ mũi của trẻ không bị khô, bớt đau rát.
Nâng cao đầu của trẻ khi ngủ
Nâng cao đầu cho trẻ khi ngủ sẽ giúp trẻ dễ thở, ngủ ngon giấc hơn. Có thể đặt một chiếc khăn bên dưới đầu trẻ để nâng đầu cao hơn một chút.
Lưu ý, cần lựa chọn các loại gội cao phù hợp để tránh gây hại cho cột sống của trẻ sơ sinh. Chỉ nên dùng gối cho trẻ từ 3 tháng tuổi với độ dày khoảng 1 – 2 cm. Trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi thì kê gối dày khoảng 3 – 4 cm. Chú ý cách kê, không nên kê ở phần lồi sau đầu trẻ mà nên đặt thấp xuống bên dưới gần vị trí cổ bé.
Vỗ nhẹ lưng cho bé
Vỗ nhẹ trên lưng có thể giúp trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bớt tức ngực và dễ thở hơn. Bởi lẽ, thao tác này làm lỏng chất nhầy ứ đọng trong ngực bé. Có 2 cách để vỗ lưng như sau:
- Cách 1. Đặt con nằm úp trên đầu gối của bạn và lấy tay nhẹ nhàng vỗ lưng;
- Cách 2. Cũng vỗ tương tự như cách 1 nhưng đặt trẻ ngồi trên đùi và hướng phía trước khoảng 30 độ.
Khi nào bạn cần đưa trẻ đi khám
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao? Thật may mắn nếu như tình trạng nghẹt mũi của trẻ có thể thuyên giảm khi áp dụng các cách trên. Tuy nhiên, bố mẹ cần theo dõi kỹ lưỡng biểu hiện của trẻ nếu bé nghẹt mũi kèm theo các triệu chứng sau:
- Thường xuyên sốt cao
- Chất nhầy trong mũi có màu xanh hoặc vàng
- Trẻ khó thở hoặc thở rất nhanh. Nếu trẻ dưới hai tuổi và thở hơn 45 lần một phút, bạn hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay
- Trẻ khó chịu ở tai, có nguy cơ nhiễm trùng
- Phát ban
- Nghẹt mũi cùng với sưng trán, mắt, mũi hoặc má
- Nghẹt mũi hơn 2 tuần trở lên
- Khó khăn khi ăn uống hoặc biếng ăn
- Con quấy khóc hay có biểu hiện đau đớn
Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các phòng khám nhi chuyên khoa để các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Nghẹt mũi tuy không quá nghiêm trọng nhưng có thể làm bé rất khó chịu nếu bị bệnh trong một khoảng thời gian lâu. Bởi vậy, hãy phòng tránh nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh bằng các cách sau:
- Vệ sinh nhà cửa, đồ dùng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ
- Giữ ấm cho trẻ
- Nếu cho trẻ nằm điều hòa cần bổ sung đầy đủ độ ẩm trong không khí
- Vệ sinh điều hòa thường xuyên để không khí không bị nhiễm khuẩn
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá
- Hạn chế cho trẻ ngửi các mùi dễ kích ứng như nước hoa
- Không để trẻ tiếp xúc quá gần với các vật nuôi, có thể khiến lông vật nuôi bay vào mũi trẻ
- Cho trẻ uống sữa
- Vệ sinh mũi hằng ngày bằng Natriclorua 0.9%
Trên đây là tổng hợp của chúng tôi giúp giải đáp thắc mắc “Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao?”. Hi vọng những chia sẻ này có thể giúp bạn có thêm kiến thức bảo vệ và chăm sóc trẻ chu đáo.
Chúc các bé luôn khỏe mạnh!