Tiểu đường thai kỳ là một trong những vấn đề chị em thường gặp trong quá trình mang thai. Bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Vậy làm thế nào để chẩn đoán sớm và cách điều trị như thế nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu ngay sau đây.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ (hay đái tháo đường thai kỳ) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai.
Theo thống kê cứ 7 phụ nữ mang thai lại có 1 người gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Bệnh có thể dẫn tới nhiều nguy cơ đáng lo ngại cho người mẹ và thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.
Đối tượng có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ
Những chị em thuộc đối tượng sau hãy cẩn thận rất dễ bị tiểu đường thai kỳ như:
- Tiền sử gia đình: có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất
- Thừa cân, béo phì
- Tiền sử sinh con ≥ 4000g
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính
- Mang thai khi tuổi đã cao, từ 35 tuổi trở lên
- Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, thai dị tật.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Chủng tộc: châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao.
Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ
Trong giai đoạn thai kỳ, nhu cầu năng lượng tăng cao nên cơ thể đòi hỏi lượng đường nhiều hơn. Cơ thể của mẹ bầu có thể tự điều tiết sản xuất thêm lượng insulin để giải quyết vấn đề trên. Thế nhưng, không phải bà mẹ nào cũng được thuận lợi như vậy.
Hơn nữa, nhau thai luôn tạo ra các loại nội tiết tố giúp thai nhi phát triển. Điều này lại vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và hậu quả là gây ra đái tháo đường thai kỳ.
Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ không có biểu hiện rõ ràng. Vì thế, nếu không làm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, nghiệm pháp dung nạp glucose thì rất khó phát hiện bệnh.
Tất cả phụ nữ mang thai đều phải làm xét nghiệm khám sàng lọc tiểu đường thai kỳ. Cụ thể như sau:
- Nếu người mẹ có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ (như đã chia sẻ ở trên), xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nên được thực hiện ngay khi chẩn đoán có thai.
- Nếu người mẹ nguy cơ trung bình, thấp, xét nghiệm tiểu đường nên được thực hiện vào khoảng tuần 24- 28 của thai kỳ.
Khi thực hiện nghiệm pháp đường huyết, các bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Ba ngày trước khi tiến hành nghiệm pháp chẩn đoán: Không ăn quá nhiều glucid cũng như không kiêng khem quá nhằm tránh ảnh hưởng nghiệm pháp.
- Nhịn đói 8 – 12 giờ trước khi làm nghiệm pháp.
- Lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương lúc đói trước khi làm nghiệm pháp.
- Uống ly nước đường đã được cơ sở y tế chuẩn bị sẵn, uống trong vòng 5 phút.
- Lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương ở 2 thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống nước glucose.
- Trong thời gian làm nghiệm pháp thai phụ không ăn uống gì thêm, được ngồi nghỉ ngơi trong phòng làm nghiệm pháp hoặc đi lại nhẹ nhàng trong khuôn viên bệnh viện trong thời gian làm nghiệm pháp.
Biến chứng của tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ có thể gây nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi nếu không phát hiện sớm và kiểm soát tốt. Cụ thể như sau:
- Đối với thai phụ:
- Tăng huyết áp
- Tăng nguy cơ tiền sản giật, sản giật
- Sảy thai, thai lưu, đẻ non
- Nhiễm khuẩn tiết niệu
- Đa ối
- Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thật sự trong tương lai hoặc ở lần mang thai tiếp theo
- Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh
- Thai to
- Thai chậm phát triển trong tử cung
- Suy hô hấp cấp chu sinh
- Tử vong chu sinh
- Nguy cơ dị tật sơ sinh cao
- Tăng nguy cơ hạ đường huyết khi sinh
- Hạ canxi máu, đa hồng cầu, tăng Bilirubin máu gây vàng da sơ sinh…
- Trẻ dễ béo phì và tăng nguy cơ mắc tiểu đường trong tương lai
Cách điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ như thế nào?
Khi được chẩn đoán bị tiểu đường thai kỳ, các bà mẹ cần phải tuân thủ tốt theo phác đồ của bác sĩ. Theo đó, mẹ bầu cần phải:
- Kiểm soát đường huyết:
- Kiểm soát bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục cũng là điều trị kiểm soát đường huyết.
- Nếu chế độ ăn và luyện tập không kiểm soát đường máu đạt mục tiêu thì chỉ nên kiểm soát đường huyết bằng insulin ngoại sinh.
- Dùng theo phác đồ, tuân thủ giờ tiêm và liều lượng tránh bị tụt đường huyết.
- Thường nên dùng các loại insulin giống hoàn toàn insulin người.
- Người bệnh tiểu đường thai kỳ cần tự theo dõi đường máu thường xuyên nhiều lần trong ngày tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Phối hợp đa khoa trong quá trình khám thai:
Theo dõi người bệnh tiểu đường thai kỳ cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, có mối liên hệ chặt chẽ giữa các bác sỹ chuyên khoa đái tháo đường, sản khoa, dinh dưỡng, sơ sinh.
- Kiểm soát tốt quá trình cuối thai kỳ:
Người bệnh tiểu đường thai kỳ có thể chuyển dạ tự nhiên và sinh thường khi thai đủ tháng tuy nhiên nếu đường máu kiểm soát kém, có tiền sử sảy thai thì có thể sinh sớm để tránh tử vong cho thai
- Chú ý đến trẻ sơ sinh của thai phụ bị tiểu đường thai kỳ:
Sau sinh cần cho trẻ sơ sinh bú sớm, theo dõi chặt chẽ các biến cố có thể xảy ra. Đối với người mẹ tiểu đường thai kỳ sau sinh có thể không cần điều trị và kiểm tra lại tiểu đường sau 4 đến 6 tuần.
- Thay đổi chế độ ăn uống:
Cần ăn đủ chất đạm, chất béo, đường, vitamin, muối khoáng và nước với khối lượng hợp lý. Tăng cân vừa phải 8-12kg trong cả thai kỳ. Tránh ăn quá nhiều tăng cân quá mức.
- Tập thể dục đều đặn và giữ tinh thần thoải mái:
Các môn thể thao an toàn cho phụ nữ có thai ví dụ như bơi, đi bộ… Mỗi ngày, nên đi bộ 20- 30 phút sau ăn các bữa mỗi ngày giúp kiểm soát đường máu. Hơn nữa, bạn hãy giữ tinh thần thoải mái, đọc sách, nghe nhạc, tránh stress,…
Hy vọng, bài viết đã giúp chị em hiểu hơn về bệnh lý tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu đừng chủ quan và cần nhớ các mốc khám thai đúng lịch. Bởi vì đây là cách tốt nhất để mẹ bầu kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.