Suy Thận Cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Suy thận cấp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, có khả năng đe dọa tới tính mạng. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh lý này để có phương pháp phòng tránh, phát hiện và chữa trị kịp thời.

Suy Thận Cấp

Suy thận cấp là gì?

Suy thận cấp là hội chứng suy giảm hoặc mất chức năng tạm thời, cấp tính của thận, ngừng hoặc suy giảm mức lọc cầu thận gây nên hiện tượng rối loạn cân bằng nước – điện giải, thiểu niệu, phù và tăng huyết áp. 

Biểu hiện phổ biến nhất của suy thận cấp là thiểu niệu hoặc vô niệu kéo dài trung bình từ 1-3 tuần. Nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời, suy thận cấp có thể được chữa khỏi, chức năng thận phục hồi trở lại bình thường hoặc gần bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian thận mất chức năng, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng với tỉ lệ tử vong cao.

Nguyên nhân bệnh suy thận cấp

Nguyên nhân suy thận cấp được chia thành các nhóm là nguyên nhân trước thận, nguyên nhân tại thận và nguyên nhân sau thận. 

  • Nguyên nhân trước thận: là nhóm nguyên nhân gây bệnh suy thận cấp chức năng (sốc giảm thể tích, sốc tim, sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, các nguyên nhân gây giảm khối lượng tuần hoàn khác như hội chứng thận hư, xơ gan…)
  • Nguyên nhân tại thận: Bệnh lý ở cầu thận cấp, các bệnh ống thận, truyền nhầm nhóm máu, sốt rét ác tính, dùng thuốc gây tan máu, chấn thương cơ, thiếu máu cơ, hôn mê kéo dài, co giật.
  • Nguyên nhân sau thận: là các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường bài niệu như sỏi bể thận, niệu quản; u chèn ép tắc đường bài niệu, viêm xơ chít hẹp (lao thận, giang mai…), xơ hóa sau phúc mạc.
Suy Thận Cấp

Đối tượng nguy cơ bệnh suy thận cấp

Suy thận cấp có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số đối tượng sau dễ mắc phải bệnh lý này:

  • Người lớn tuổi và mắc một số bệnh nền như đái đường, suy gan mãn, cao huyết áp…
  • Người sau mổ, nhiễm khuẩn, suy đa tạng, chấn thương
  • Người bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ: hoá chất, tiêu cơ vân, thuốc cản quang, hạ huyết áp do mọi nguyên nhân, điều trị thuốc độc với thận.

Triệu chứng bệnh suy thận cấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy thận cấp phát triển theo từng giai đoạn với một số triệu chứng phổ biến như buồn nôn, ói mửa, chán ăn, mệt mỏi, gặp vấn đề về giấc ngủ, tinh thần giảm sút, lượng nước tiểu bài tiết thay đổi, dễ bị chuột rút và co giật cơ bắp, sưng bàn chân và mắt cá chân, đau ngực, khó thở, tăng huyết áp…

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy thận thường không đặc hiệu. Bởi vậy, ở giai đoạn đầu, người bệnh thường bị lầm tưởng mắc một số bệnh khác.

Các biện pháp điều trị bệnh suy thận cấp

Điều trị suy thận cấp theo nguyên nhân và theo giai đoạn tiến triển của bệnh trên từng đối tượng cụ thể, điều trị bao gồm:

  1. Giai đoạn tấn công của tác nhân gây bệnh: Điều trị loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, theo dõi tình trạng thiểu niệu, vô niệu để có chẩn đoán suy thận cấp sớm
  2. Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu:
  • Giữ cân bằng nước, điện giải: đảm bảo cân bằng lượng nước vào ít hơn nước ra. Bù đủ thể tích tuần hoàn trong trường hợp suy thận cấp trước thận.
  • Điều trị tăng Kali máu: dùng các thuốc đối kháng với kali, các thuốc đưa kali vào trong tế bào, lợi tiểu thải kali…
  • Hạn chế tăng Nitơ phi protein máu: chế độ ăn giảm đạm, loại bỏ ổ nhiễm khuẩn.
  • Điều trị các triệu chứng và biến chứng khác nếu có
  • Chỉ định lọc máu cấp trong một số trường hợp
  1. Giai đoạn đái trở lại: Khi này, người bệnh cần thực hiện cân bằng nước, điện giải. Tùy vào tình trạng, người bệnh sẽ được truyền dịch đường tĩnh mạch, dùng oresol…
  2. Giai đoạn phục hồi chức năng: Ở giai đoạn này, người bệnh cần lưu ý công tác điều dưỡng với chế độ ăn cần tăng đạm khi ure máu đã về mức bình thường, theo dõi định kỳ theo chỉ dẫn thầy thuốc, tiếp tục điều trị nguyên nhân nếu có. 

Cách phòng ngừa bệnh suy thận cấp

Để phòng ngừa bệnh suy thận cấp, bạn nên lưu ý các điều sau:

  1. Không dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia
  2. Ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả, các loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây,..
  3. Uống nước đúng cách, uống đủ nước, khoảng 2-3 lít một ngày tùy mức vận động, thời tiết.
  4. Tập thể dục đều đặn.
  5. Xử lý triệt để các bệnh lý nên như tiểu đường, huyết áp, tăng mỡ máu.

Chẩn đoán sớm, phát hiện các yếu tố nguy cơ và dự phòng cũng như điều trị sớm và đúng nguyên nhân là cách phòng ngừa bệnh suy thận cấp hiệu quả 

Trên đây là tổng hợp của chúng tôi về bệnh suy thận cấp. Hi vọng những chia sẻ này có thể giúp bạn hiểu hơn về cơ thể và có cách theo dõi, chăm sóc phù hợp. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Leave a Comment