Sữa mẹ là lựa chọn hàng đầu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trong 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, có nhiều mẹ ngay sau khi sinh hay cho con bú thì gặp phải tình trạng mất sữa, sữa ít. Điều này khiến nhiều mẹ hoang mang không biết mẹ ít sữa phải làm sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
1. Dấu hiệu nhận biết tình trạng ít sữa sớm nhất
Khi nhận biết sớm các dấu hiệu ít sữa sẽ giúp mẹ bầu có giải pháp gọi sữa về nhanh hơn. Nếu để tình trạng sữa ít kéo dài có thể khiến mẹ mất dần sữa, đến khi đó mẹ mới tìm cách thì đã quá muộn màng.
Làm sao để nhận biết sớm mẹ bị ít sữa sau sinh, một số triệu chứng nhận biết sớm các mẹ nên biết:
– Bầu vú thay đổi rất ít hoặc không thay đổi sau 3 ngày sinh: Ngay từ lần đầu tiên con ngậm ti mẹ, cơ thể người mẹ đã nhận biết được và tiết sữa ngày một nhiều hơn. Vì vậy nếu sau 3 ngày mà sữa vẫn không về nhiều, bầu ngực không lớn hơn và sờ thấy nhão thì rất có thể là mẹ ít sữa cho con bú.
– Các mẹ cố nặn cũng không ra: Khi không thấy sữa ra, nhiều mẹ cố dùng cách nặn hoặc hút sữa để kích thích sữa về nhưng lượng sữa tiết ra vẫn không cải thiện được, nặn không ra sữa cũng bởi vì mẹ ít sữa.
– Bé bú dưới 5 phút hết sữa và bụng không no: Trẻ sơ sinh thông thường vì kỹ năng bú mẹ còn kém nên trẻ thường bú rất chậm, nhưng trong trường hợp trẻ bú dưới 5 phút đã ngừng, bụng không no căng thì các mẹ cũng nên nghi ngờ đây là nguyên nhân bị thiếu sữa hoặc sữa quá ít, bé bú không thấy sữa mới ngừng.
– Bé đi tiểu dưới 6 lần/ ngày: Sữa mẹ có thành phần chủ yếu là nước, khi bé bú đủ sẽ đi tiểu rất nhiều lần trong ngày. Vì vậy nếu thấy bé của mẹ đi tiểu quá ít thì mẹ hãy để ý một chút đến lượng sữa của mình.
2. Nguyên nhân bị ít sữa sau sinh
Lượng sữa đang nhiều bỗng ít đi không phải sự ngẫu nhiên, khi xác định nguyên nhân vì sao ít sữa sẽ giúp các mẹ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Cũng như phòng tránh được tình trạng ít sữa sau này.
Một số nguyên nhân có thể khiến mẹ bị ít sữa:
– Tinh thần trở nên căng thẳng, stress trong quá trình mang thai, trước và sau khi sinh ức chế phản xạ tiết sữa ở mẹ.
– Mẹ ăn phải thực phẩm hoặc sử dụng thuốc gây ít sữa mất sữa. Dinh dưỡng không đầy đủ và uống ít nước.
– Các mẹ mắc các bệnh liên quan đến tuyến vú như thiểu sản tuyến vú, viêm tuyến vú và tắc tia sữa, áp xe vú hoặc đã phẫu thuật ngực sau sinh.
– Mẹ bị rối loạn nội tiết do bệnh tuyến giáp, thiếu máu, sót rau sau sinh nhưng không phát hiện ra.
– Cho con bú không đúng cách, các mẹ lạm dụng vú giả không cho bé bú liên tục hoặc bú không đúng cách, hay do bé bị dị tật bẩm sinh ở miệng dẫn đến khả năng bú mẹ kém, cơ thể không kích thích được tuyến sữa.
– Sử dụng máy vắt sữa không đúng cách cũng khiến sữa dần bị mất đi
– Các trường hợp sinh non, sinh mổ
3. Tại sao ít sữa xảy ra ở các mẹ sinh mổ nhiều hơn sinh thường?
Nhiều mẹ băn khoăn không biết liệu đẻ mổ có khiến ít sữa hơn sinh thường không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên không phải 100% mẹ nào cũng rơi vào tình trạng này, mẹ ít sữa sau sinh mổ thường có tỷ lệ cao hơn mẹ ít sữa khi sinh thường vì một số nguyên nhân.
– Bị ảnh hưởng từ thuốc gây mê: Thuốc gây mê được sử dụng trong quá trình phẫu thuật để giảm những cơn đau cho người mẹ, đồng thời nó lại khiến cho tuyến sữa của mẹ bị hạn chế tiết sữa sau khi sinh.
– Tác dụng phụ từ thuốc kháng sinh: Những cơn đau sau phẫu thuật rất khủng khiếp, vì vậy các mẹ cần đến thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh để kháng viêm và làm giảm cảm giác đau đớn. Hầu hết trong các trường hợp, kháng sinh đều gây rối loạn hormone tuyến sữa và cũng là tác nhân dẫn đến ít sữa sau sinh mổ ở mẹ.
– Sức khỏe và tâm lý của mẹ sau khi sinh mổ: Sau khi sinh mổ các mẹ thường rất yếu và mất nhiều thời gian phục hồi hơn so với bình thường. Do tâm lý lo lắng của mẹ sau khi phẫu thuật cũng là nguyên nhân ảnh hưởng lượng sữa được tiết ra.
– Mẹ không thể cho con bú ngay sau khi sinh: Các mẹ sinh thường, mẹ có thể da áp da và cho bé bú không lâu sau khi sinh, việc này giúp bé nhanh chóng bú được sữa non đồng thời kích thích tuyến vú của mẹ tiết thêm sữa. Nhưng với sinh mổ, phải sau ít nhất 2 tiếng mẹ mới được cho bé bú.
– Các mẹ sinh mổ khi chưa đủ tháng: Trường hợp này tuyến vú của mẹ chưa phát triển hoàn toàn nên khả năng sữa về còn kém. Vì vậy nhiều trường hợp mẹ sinh thiếu tháng phải đi xin sữa hoặc cho con dùng sữa công thức.
4. Vậy mẹ ít sữa phải làm sao?
Nếu các mẹ đang rơi vào tình trạng này, những bước dưới đây sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng ít sữa một cách hiệu quả:
– Cho con bú đúng tư thế
Hãy tạo cho bé và mẹ một tư thế thoải mái nhất để không đau lưng, đau ngực còn bé con lại chẳng vui khi tuti. Lưu ý, bé cần ngậm hầu hết quầng vú của mẹ, môi dưới bé sẽ hơi trề ra. Đây là tư thế giúp bé bú được nhiều sữa mẹ nhất.
– Cho bé bú đến khi mẹ cạn sữa
Với những mẹ vốn ít sữa, hãy kiên nhẫn cho bé bú đến khi nào bé tự nhả vú mẹ. Nếu được, mẹ hãy cho bé bú cả 2 bên ngực trong mỗi lần.
– Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn
Hãy hạn chế cho bé bú kết hợp cả sữa công thức. Nếu mẹ không gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, chắc chắn tình trạng ít sữa sẽ được cải thiện khi thực hiện đúng các lời khuyên ở đây.
– Hạn chế cho bé dùng núm vú giả
Bé sẽ muốn mút sữa mẹ nhiều hơn để đáp ứng phản xạ của mình.
– Vắt sữa mẹ giữa các lần cho bé bú
Đừng thất vọng khi mẹ chẳng vắt được tí sữa nào, hoặc có nhưng rất ít. Nếu thường xuyên sử dụng máy vắt sữa giữa các lần cho con bú, sữa mẹ sẽ được kích thích tiết ra nhiều hơn. Trong những lần đầu tiên vắt sữa, mẹ có thể sẽ cảm thấy khá đau ngực do chưa quen sử dụng máy vắt. Tuy nhiên, khi sữa đã về đủ nhiều, mẹ sẽ cảm thấy sự kiên trì của mình được đền bù xứng đáng.
– Mẹ cần nghỉ ngơi đủ và để tinh thần thư thái
Không nên tạo quá nhiều áp lực cho bản thân, mẹ cần tin tưởng mình sẽ có đủ sữa cho con.
– Uống nhiều nước
Nước là nguyên liệu tối cần thiết để tạo sữa. Do đó, mẹ đừng quên uống đủ từ 2 lít nước mỗi ngày.
Lưu ý
Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp mẹ kéo sữa về, tuy nhiên tùy theo từng cơ địa và lý do gây nên tình trạng ít sữa, mẹ sẽ có những biện pháp riêng. Khi lựa chọn bất cứ phương pháp nào mẹ cần lưu ý:
· Lựa chọn phương pháp đảm bảo an toàn, không gây hại cho sức khỏe mẹ và bé. Nên cân nhắc sử dụng các bài thuốc, sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên.
· Lắng nghe ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
· Tuân thủ nghiêm ngặt theo sự chỉ định của bác sĩ.
· Tránh xa các tác nhân góp phần khiến mẹ ít sữa như thực phẩm gây ít sữa, chất kích thích…
Mẹ ít sữa phải làm sao? Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên đây sẽ giúp các mẹ hiểu lưu ý những dấu hiệu sữa về ít và phòng tránh những nguyên nhân gây mất sữa để đảm bảo luôn đủ lượng sữa con cần nhé. Chúc mẹ sớm vượt qua tình trạng ít sữa!