Hướng dẫn các mẹ cách nấu cháo sò huyết cho bé

Cháo sò huyết cho bé là một trong những món ăn thơm ngon và đủ dinh dưỡng mà các mẹ thường lựa chọn, chế biến cho bé nhà mình. Vừa tạo cho bé cảm giác ngon miệng lại cung cấp đủ chất cần thiết. Vậy cách nấu cháo sò huyết như nào? kết hợp với các loại nguyên liệu nào? Các mẹ cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Tác dụng của sò huyết

Sò huyết là loại hải sản có chứa nhiều chất dinh dưỡng, được các chuyên gia khuyến khích bổ sung vào thực đơn hàng ngày, đặc biệt để chế biến thành các loại cháo ăn dặm cho bé.

Sò huyết có chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao như đạm, sắt, magie, kẽm, omega-3, vitamin B12, axit folic, sò huyết được đánh giá là thực phẩm cần thiết cho sự sản sinh hồng cầu và giúp trẻ phát triển toàn diện.

Không những thế, sò huyết còn là một trong những thực phẩm giàu retinol đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A cho bé. Trong đó vitamin A tham gia vào sự phát triển của hệ miễn dịch, điều tiết các phản ứng miễn dịch trong cơ thể, tránh được các bệnh nhiễm khuẩn và giúp cho bé có đôi mắt sáng khỏe.

2. Cách chọn và sơ chế sò huyết

Cách chọn sò huyết
Cách chọn sò huyết

Để nấu cháo sò huyết cho bé, các mẹ không thể không quan tâm đến khâu lựa chọn thực phẩm. Với hầu hết các loại hải sản nói chung và sò huyết nói riêng, các mẹ nên chọn những con vẫn còn tươi, sống để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, dị ứng.

Nên chọn những con sò huyết mở miệng hoặc ruột nhổ ra bên ngoài, chạm vào thì sò ngậm kín miệng lại. Đồng thời chọn con sò có kích thước trung bình, không nên chọn con có kích thước quá lớn. Vì khi chế biến những con có kích thước lớn rất dễ bị dai và độ ngọt cũng bị giảm đi.

Sau khi đã chọn được sò huyết, để làm sạch các mẹ nên ngâm với muối ớt pha loãng. Sau  chừng 1 giờ thì sò sẽ nhả chất bẩn. Loại bỏ những con sò có mùi hôi vì đã chết. Nếu mẹ dùng nước luộc sò thì nhớ sử dụng bàn chải để cọ sạch lớp vỏ bên ngoài của sò trước khi luộc.

3. Hướng dẫn các mẹ cách nấu cháo sò huyết cho bé

Với món cháo sò huyết này các mẹ có thể biến tấu chúng thành nhiều món khác nhau, bằng cách kết hợp các loại rau. Vậy loại rau nào có thể kết hợp với cháo sò huyết?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cháo sò huyết có thể nấu cùng với các loại rau cải như: : bó xôi, cải ngọt, cải xanh hoặc rau thơm như hành lá, rau mùi. Bên cạnh đó, với cách nấu cháo sò huyết cho bé cùng khoai môn, món cháo sẽ hấp dẫn trẻ nhỏ lẫn người lớn đấy. Sò huyết bổ dưỡng, điểm thêm các chất từ rau củ sẽ là món ăn cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho bé phát triển tốt hơn.

Dưới đây là một số cách cháo sò huyết cho bé dễ nấu để mẹ có thể thay đổi thực đơn ăn dặm cho bé:

3.1. Cách nấu cháo sò huyết cho bé cơ bản

Cách nấu cháo sò huyết
Cách nấu cháo sò huyết

Nguyên liệu:

– 20g gạo tẻ

– 50g thịt sò huyết (tương đương 300g sò)

– Dầu mè

– Hành lá, hành khô, gừng thái sợi

– Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu

Cách nấu:

Sò huyết sau khi đã ngâm nước cho nhả bùn đất rửa sạch vỏ ngoài, thì cho sò huyết vào nồi luộc nhanh cho mở miệng. Sau đó tách vỏ, lấy thịt bên trong phần thịt sò huyết đem ướp với một chút nước mắm và hành tím băm nhỏ.

Tiếp theo, cho gạo vào nấu cháo với vài lát gừng thái sợi. Khi cháo chín tới thì cho phần sò huyết đã ướp vào, khuấy đều cho sò chín tới thì nêm nếm lại và tắt bếp. Cuối cùng múc cháo ra bát, cho thêm xíu dầu mè nếu thích. Cho bé ăn khi cháo còn nóng.

3.2. Cách nấu cháo sò huyết cho bé với khoai môn

Nguyên liệu

– 20g gạo tẻ

– 50g thịt sò huyết (tương đương 300g sò)

– 150g khoai môn

– Hành lá, hành khô

– Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu

Cách nấu:

Sò huyết ngâm cho nhả bùn đất rồi rửa sạch vỏ ngoài, cho sò huyết vào nồi luộc nhanh cho mở miệng. Sau đó tách vỏ và lấy thịt bên trong, phần thịt sò đem ướp cùng với chút nước mắm và hành tím như ở cách nấu trên.

Khoai môn đem gọt sạch vỏ và rửa lại với nước, ngâm nước muối trong khoảng 15 phút để khoai không bị đen. Thái khoai thành khoanh hoặc hạt lựu tùy thích. Sau đó cho gạo và khoai môn cùng nước luộc sò, thêm lượng nước đủ để nấu cháo. Khi cháo chín tới thì cho phần sò huyết đã ướp vào, khuấy đều cho sò chín tới thì nêm nếm lại và tắt bếp. Múc cháo ra bát rồi cho thêm chút hành lá vào. Cho bé ăn khi còn nóng.

3.3. Cách nấu cháo sò huyết nấm rơm cho bé

Nguyên liệu

– 20g gạo tẻ

– 50g thịt sò huyết (tương đương 300g sò)

– 100g nấm rơm

– Hành lá, hành khô

– Gia vị: Dầu ăn, dầu mè nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu

Cách nấu cháo:

Gạo vo sạch và nấu chung cùng với nước thành cháo. Sò huyết chần qua nước sôi tách vỏ lấy thịt, nấm rơm cắt bỏ chân và ngâm cùng với xíu nước muối rồi rửa sạch. Sau khi làm sạch, cắt bỏ sò huyết và nấm rơm, ướp cùng với hạt nêm và dầu ăn.

Khi cháo chín thì cho sò huyết và nấm rơm vào, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng thì tắt bếp. Các mẹ có thể cho thêm phần hành ngò cắt nhỏ vào cháo và thêm chút dầu mẹ cho cháo dậy mùi thơm kích thích trẻ. Múc cháo ra bát, cho bé ăn khi cháo còn ấm.

3.4. Cách nấu cháo sò huyết thập cẩm cho bé

Cách nấu cháo sò huyết thập cẩm
Cách nấu cháo sò huyết thập cẩm

Nguyên liệu

– 20g gạo tẻ

– 20g gạo nếp

– 100g thịt sò huyết (tương đương 500g sò)

– 150g thịt bò

– 100g nấm rơm

– 5 con tôm sú

– Hành lá, hành khô

– Gia vị: Dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu

Cách nấu:

Sò huyết đem ngâm cho nhả bùn đất rồi rửa sạch vỏ ngoài. Tôm cũng rửa sạch, bóc vỏ, rút chỉ đen ở phần lưng, thịt bò băm nhỏ. Đem thịt bò cùng với tôm ướp với dầu ăn, bột nêm và hành tím băm. Nấm rơm cắt bỏ chân và ngâm cùng với chút nước muối rồi rửa lại.

Cho sò huyết cho vào nồi luộc nhanh cho mở miệng. Sau đó, tách vỏ, lấy thịt bên trong. Cho xíu dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím rồi lần lượt cho tôm, sò huyết, nấm rơm vào xào nhanh. Tránh xào lâu vì sẽ khiến sò huyết bị teo và mất ngon.

Tiếp đến cho gạo vào nước luộc sò, thêm lượng nước đủ để nấu cháo. Khi cháo chín tới thì cho hỗn hợp sò huyết, tôm cùng với nấm, thịt bò đã ướp sẵn vào. Nêm nếm lại và tắt bếp, không nấu thịt bò trong cháo quá lâu vì sẽ khiến bò bị dai và cứng.

Múc cháo ra bát rồi cho thêm chút hành lá và rau thơm vào. Nếu bé nhỏ có thể xay nhuyễn cho bé dễ ăn. Cho bé ăn khi cháo còn ấm.

4. Lưu ý khi cho trẻ ăn cháo sò huyết

Lưu ý cách nấu cháo sò huyết cho bé
Lưu ý cách nấu cháo sò huyết cho bé

Sò huyết mặc dù có nhiều công dụng chữa bệnh và tốt cho sức khỏe, nhưng không phải ai, trẻ nào cũng ăn được. Đối với người đang mang thai, sau khi sinh và trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa còn non yếu thì không nên ăn sò huyết. Để đảm bảo sức khỏe, các mẹ chỉ nên cho trẻ ăn sò huyết khi đã được 1 tuổi.

Nên lựa chọn những con sò huyết tươi, sống để tránh nhiễm khuẩn cho bé. Chế biến cháo sò huyết cho trẻ nên nấu chín kỹ để loại bỏ được các loại vi khuẩn. Không được cho bé ăn sò sống, tái.

Trẻ nhỏ chưa nhai được, mẹ nên xay cháo sò huyết nhỏ cho trẻ dễ ăn, không nên cho trẻ quá nhỏ ăn cả con sò huyết vì dễ dẫn đến mắc cổ, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trên đây là những cách nấu cháo sò huyết cho bé, hy vọng đã giúp các mẹ có thêm kiến thức để bổ sung vào thực đơn ăn cho con nhiều dinh dưỡng. Chúc bé hay ăn chóng lớn nhé!

Leave a Comment