Bệnh Trầm cảm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tốt nhất

Trầm cảm là một căn bệnh ngày càng phổ biến và phức tạp. Nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà ít ai ngờ đến. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa hiểu rõ về căn bệnh này.

Bệnh Trầm Cảm

Trầm cảm là bệnh gì?

Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học. Đặc trưng của nó là rối loạn khí sắc, gây cảm giác buồn chán, mất hứng thú trong một thời gian dài. Sự rối loạn này không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng, cảm nhận, cách hành xử mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất của người bệnh. Trầm cảm có thể gây khó khăn cho người bệnh trong giao tiếp, làm việc, thậm chí có thể dẫn tới ý định tự tử.

Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi và ở cả hai giới. Tuy nhiên, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh trầm cảm lớn hơn đàn ông, thường gặp nhất là trầm cảm sau sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Ước tính trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm và 850 nghìn người chết mỗi năm do hành vi tự sát mà bệnh trầm cảm mang tới. Số trường hợp được chẩn đoán và điều trị trầm cảm kịp thời chỉ chiếm khoảng 25%. 

Nguyên nhân bệnh trầm cảm

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh trầm cảm. Đó là:

  • Do yếu tố di truyền

Nhiều người không tin yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm.Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng ADN cũng là tác nhân dẫn tới bệnh trầm cảm. Nếu bố mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh trầm cảm thì nguy cơ con cái mắc bệnh sẽ cao hơn gấp 3 lần người bình thường. Mặt khác, một đứa trẻ lớn lên với người mẹ hoặc bố bị bệnh trầm cảm cũng có thể dễ mắc bệnh hơn. 

  • Do gặp phải những sự kiện chấn động

Những người đã trải qua chấn động về tâm lý như mất đi người thân yêu nhất, thất nghiệp, thất tình hoặc bị lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp…có thể mắc bệnh trầm cảm. Vì những biến động đột ngột khiến họ trở nên khép kín, sợ hãi, ít hoặc không giao tiếp với thế giới bên ngoài.

  • Do stress kéo dài

Sự căng thẳng quá độ do áp lực cuộc sống, tiền bạc và công việc cũng là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng về tâm lý.

  • Do lạm dụng các chất kích thích, thuốc an thần và thuốc ngủ

Các chất kích thích, thuốc an thần và thuốc ngủ nếu bị lạm dụng sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho não bộ. Một trong những hệ lụy đó chính là bệnh trầm cảm. Theo một nghiên cứu, những người sử dụng rượu bia sẽ có nguy có suy giảm trí nhớ gấp 2 lần người bình thường, nếu nặng có thể gây ra một số bểu hiện trầm cảm như mất cân bằng tâm lý, dễ cáu gắt, kích động, mất ngủ thường xuyên. 

  • Trầm cảm có thể xuất hiện các bệnh lý hay chấn thương tác động trực tiếp đến não bộ
  • Trầm cảm có thể không rõ nguyên nhân
Bệnh Trầm Cảm

Triệu chứng bệnh trầm cảm 

Ở giai đoạn đầu, trầm cảm thường khó phát hiện, dễ bị bỏ sót do triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Bệnh nhân thường có những biểu hiện toàn thân như: đau ngực, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, đau lưng, khó thở, mất ngủ, đau bụng, tê cóng…Đi khám chuyên khoa nhiều khi không tìm được nguyên nhân gây bệnh cụ thể. 

Dù biểu hiện đa dạng, những triệu chứng phổ biến của trầm cảm vẫn có thể phát hiện như:

  • Khó ngủ, mất ngủ trong thời gian dài hoặc ngủ nhiều.
  • Luôn có cảm giác chán ăn, ăn không ngon gây sút cân. Một số ít lại có biểu hiện thèm ăn, ăn nhiều quá mức dẫn đến tăng cân. 
  • Cơ thể luôn cảm thấy khó chịu, tâm thần bất an
  • Không muốn nói chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh
  • Hình thức bên ngoài: ăn mặc lôi thôi lếch thếch, vệ sinh thân thể kém, chậm chạp, chán nản, không có hứng thú với bất kỳ điều gì.
  • Khí sắc trầm buồn, luôn luôn bi quan trong mọi việc, cảm thấy mọi thứ sẽ tồi tệ.
  • Tự ti về bản thân quá mức, luôn lo lắng bản thân kém cỏi, cảm thấy mình vô dụng, sợ hãi.
  • Có ý nghĩ về tự tử hoặc đã từng tự tử.

Những người có từ 1-3 triệu chứng trên và kéo dài trong ít nhất 2 tuần thì có thể người đó đang gặp vấn đề về trầm cảm.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm là những người gặp phải sang chấn về tâm lý; phụ nữ sau sinh; học sinh sinh viên gặp áp lực trong học tập hoặc những người bị tổn thương não bộ.

Phòng ngừa bệnh trầm cảm

  • Tránh các sang chấn tâm lý, gạt bỏ áp lực trong học tập, công việc và cuộc sống nếu có thể. Đối với một số sang chấn tâm lý không thể lường trước được như mất đi người thân, phá sản cần quan tâm, gần gũi, chia sẻ lấy lại niềm tin cho người bệnh.
  • Với những người có biểu hiện trầm cảm, cần theo dõi giám sát người bệnh vì người bệnh có thể tự tử bất kì lúc nào; đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. 

Các biện pháp chẩn đoán bệnh trầm cảm 

Người bệnh có khả năng mắc bệnh trầm cảm nếu có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng sau:

  • Giảm khí sắc
  • Không quan tâm, thích thú với bất kỳ vấn đề gì
  • Chán nản, mệt mỏi, ít hoặc không giao tiếp với mọi người xung quanh. 

Hoặc có ít nhất 3 triệu chứng phổ biến sau, các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tuần: 

  • Giảm tập trung chú ý
  • Tự ti với bản thân mình
  • Luôn cảm thấy tội lỗi và không xứng đáng
  • Cảm thấy tương lai là sự ảm đạm và bi quan
  • Có suy nghĩ tự sát
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Ăn không ngon miệng

Các biện pháp điều trị bệnh trầm cảm

Bệnh nhân trầm cảm tự tử hiện nay không còn là vấn đề xa lạ nữa. Cần theo dõi và đưa bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Nguyên tắc điều trị bệnh trầm cảm đó là: 

  • Cắt các rối loạn cảm xúc
  • Chống tái phát
  • Phục hồi chức năng
  • Dùng thuốc đúng, đủ theo phác đồ, không tự ý dùng thuốc hoặc bỏ thuốc
  • Thông báo với bác sĩ những tác dụng phụ của thuốc 

Có 3 phương pháp điều trị bệnh trầm cảm: 

  • Điều trị bằng liệu pháp tâm lý: chia sẻ, cảm thông, gần gũi người bệnh
  • Điều trị khác như vật lý trị liệu: xoa bóp trị liệu, châm cứu,…
  • Điều trị bằng thuốc

Leave a Comment