Rối loạn tiền đình là bệnh lý về thần kinh phổ biến hiện nay. Thế nhưng, bệnh này có nhiều triệu chứng tương đồng với không ít các bệnh khác khiến việc phát hiện của xử lý gặp khó khăn. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những dấu hiệu bệnh lý phổ biến nhất, cũng như chỉ ra những nguyên nhân và phương hướng chữa trị để bạn dễ dàng theo dõi và chăm sóc cơ thể kịp thời.
Rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình chính là một hệ thống thuộc hệ thần kinh, nó nằm ở sau hai bên ốc tai. Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8. Đây là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.
Khi bị tổn thương, hệ thống tiền đình mất dần đi chức năng điều khiển, không giữ được thăng bằng cơ thể, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn… Rối loạn tiền đình có thể do tác động của di truyền hoặc do yếu tố môi trường.
Triệu chứng mắc bệnh rối loạn tiền đình
Khi mắc rối loạn tiền đình, người bình thường gặp phải các triệu chứng sau:
- Chóng mặt, quay cuồng, choáng váng
- Không thể bước đi, dễ ngã do mất cân bằng và mất định hướng không gian
- Rối loạn thị giác như nhìn mờ, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng…
- Rối loạn thính giác như ù tai
- Tâm lý thay đổi, lo lắng, khó tập trung, khả năng chú ý kém
Các triệu chứng này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, công việc và học tập. Trong một số trường hợp bệnh trở nặng, người bệnh còn có thể gặp khó khăn khi thực hiện một số hoạt động đơn giản như ăn uống hay ra khỏi giường khi ngủ dậy.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình
Có nhiều nguyên nhân tác động gây bệnh, trong đó phổ biến từ những di chứng dưới đây:
- Huyết áp thấp, di chứng của tai biến, thiếu máu, các bệnh liên quan tới tim mạch… gây ra tắc nghẽn mạch máu, lượng máu lên não kém.
- Mắc bệnh u não, u dây thần kinh, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa…
- Thường xuyên tiếp xúc trong môi trường nhiều tiếng ồn, thời tiết chuyển mùa đột ngột, ít vận động…
- Người bị mất máu nhiều do chấn thương hoặc phụ nữ sau sinh…
- Uống quá nhiều rượu bia.
- Cơ thể nhiễm độc hoặc sử dụng một số loại thuốc… cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.
- Căng thẳng, mệt mỏi, áp lực kéo dài gây tổn thương cho hệ thần kinh
- Đối tượng dễ mắc bệnh rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính. Tuy vậy, những đối tượng dưới đây dễ mắc hoặc mắc chứng bệnh này sớm hơn:
- Người trung niên: Người trên 40 tuổi có nguy cơ lớn mắc căn bệnh này. Người lớn tuổi có nhiều khả năng gặp các bệnh lý gây chóng mặt, đặc biệt là cảm giác mất thăng bằng do không còn đủ minh mẫn và nhanh nhẹn như khi còn trẻ.
- Nữ giới: rối loạn tiền đình phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới và dễ bị nhầm lẫn với bệnh thiểu năng tuần hoàn não.
- Người tiền sử bị chóng mặt. Nếu bạn đã từng bị chóng mặt trước đây thì bạn có nguy cơ cao bị chóng mặt trong tương lai, tái đi tái lại nhiều lần.
- Người thường xuyên bị căng thẳng về đầu óc, stress cho dù ở mọi lứa tuổi, giới tính: những đối tượng thường ngồi nhiều, ít vận động làm tắc nghẽn hoặc co thắt động mạch cột sống thân nền dẫn đến rối loạn tuần hoàn gây thiếu máu nuôi vùng não bộ và bị rối loạn tiền đình.
Cách chữa trị bệnh rối loạn tiền đình
Nếu phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách và tích cực, bệnh rối loạn tiền đình hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Dựa trên bệnh sử, kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị rối loạn tiền đình phù hợp với bệnh nhân, từ thay đổi lối sống cho đến điều trị bằng thuốc và cuối cùng là phẫu thuật:
- Liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình: là phương pháp áp dụng các bài tập phối hợp đầu, cơ thể và mắt. Các bài tập này là được thiết kế và xây dựng để rèn luyện bộ não nhằm giúp nhận biết, xử lý và phối hợp hoạt động các tín hiệu từ hệ tiền đình
- Tập thể dục: Bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập chuyên biệt phù hợp với từng bệnh nhân nhằm phục hồi chức năng tiền đình. Ngoài ra tập thể dục còn giúp giảm bớt căng thẳng cũng như tăng cường vận động giúp cải thiện lưu thông tuần hoàn não. Chính vì vậy chế độ tập luyện là một phần quan trọng của quá trình điều trị.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: những thay đổi trong chế độ ăn uống có thể hỗ trợ trong việc kiểm soát triệu chứng bệnh.
- Dùng thuốc: việc sử dụng thuốc trong điều trị bệnh phụ thuộc vào rối loạn chức năng tiền đình là đang ở giai đoạn ban đầu, cấp tính (kéo dài lên đến 5 ngày) hay mạn tính (kéo dài liên tục)
- Phẫu thuật: được chỉ định khi các phương pháp nêu trên không đem lại hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng chóng mặt và các triệu chứng khác do rối loạn chức năng tiền đình
Những thông tin được cung cấp trên đây không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên gia y khoa. Nếu bạn bị rối loạn tiền đình hãy đến khám và tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất.
Chúc bạn và người thân luôn khỏe mạnh!