Bệnh Đái Tháo Đường

Đái tháo đường (tiểu đường) là căn bệnh với nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy, làm thế nào để phát hiện và phòng tránh bệnh? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các dấu hiệu, nguyên nhân, các biến chứng bệnh lý nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe của người nhà và bản thân.

Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính khiến cơ thể mất khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp, làm tăng lượng đường trong máu ở mức cao, gây tổn hại sức khỏe. Bệnh đái tháo đường có thể gây ra các vấn đề về mắt, thận, thần kinh và tim.

Các dạng bệnh của đái tháo đường

Đái tháo đường tuýp 1: 

Xảy ra khi cơ thể ngừng sản xuất insulin hoặc lượng insulin được sản xuất quá ít không đủ để điều hòa lượng glucose có trong máu. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Những bệnh nhân bị đái tháo đường type 1 cần phải được điều trị bằng insulin mỗi ngày để duy trì cuộc sống.

Đái tháo đường tuýp 2:

Là bệnh mạn tính phát triển khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi các mô trong cơ thể không thể sử dụng insulin một cách bình thường.

Bệnh này thường gặp ở người trung niên trên 40 tuổi với tỷ lệ phụ nữ cao hơn nam giới. Người bị bệnh tiểu đường thường dễ bị một số bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đục thuỷ tinh thể… và thường có tuổi thọ ngắn hơn những người khác.

Bệnh Đái Tháo Đường

Đái tháo đường thai kỳ:

Là một thể đái tháo đường xảy ra trong nửa cuối thai kỳ. Bệnh này khiến phụ nữ dễ sinh con to. Đái tháo đường thai kỳ thường sẽ khỏi sau khi sinh.

Tiền đái tháo đường

Là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng không đủ cao để được chẩn đoán là đái tháo đường. Bệnh làm gia tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch hay đột quỵ.

Tiền đái tháo đường có thể khỏi mà không cần sử dụng insulin hoặc thuốc. Khi mắc tiền đái tháo được, bạn cần áp dụng cách giảm cân đúng cách  và áp dụng tăng các hoạt động thể lực. Cách giảm cân này có thể phòng ngừa, hay ít nhất là làm chậm lại, sự khởi phát của đái tháo đường type 2.

Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường là gì?

Sự bất thường nào xảy ra trong quá trình trao đổi chất có thể làm cho glucose không thể đi vào các tế bào và cung cấp năng lượng, lượng đường tích tụ trong máu. Sự mất cân bằng này được tích lũy qua thời gian và dẫn đến lượng đường trong máu cao đáng kể, được gọi là tăng đường huyết.

  • Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là do tính nhạy cảm di truyền và các yếu tố môi trường gây ra. Nguyên nhân tiểu đường là do hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin của bạn trong tuyến tụy. Điều này khiến bạn có ít hoặc không có insulin. Lúc này, lượng đường thay vì chuyển đến các tế bào lại tích lũy trong máu, gây ra bệnh tiểu đường.

  • Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 và tiền tiểu đường

Yếu tố di truyền và môi trường đóng một vai trò trong việc gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Thừa cân có liên hệ chặt chẽ với sự xuất hiện của bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng không phải ai mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đều thừa cân.

Tiểu đường và tiểu đường tuýp 2, các tế bào đề kháng với hoạt động của insulin và tuyến tụy không thể tạo đủ insulin để vượt qua sự đề kháng. Lúc này, đường sẽ không thể đến các tế bào trong cơ thể mà tích tụ trong máu.

  • Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ

Trong thời kỳ mang thai, nhau thai tạo ra kích thích tố để duy trì thai kỳ của bạn. Những kích thích tố này làm cho các tế bào có khả năng kháng insulin tốt hơn. Tuyến tụy đáp ứng bằng cách sản xuất đủ insulin để vượt qua sức đề kháng này. Tuy nhiên, đôi khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin. Khi điều này xảy ra sẽ dẫn đến lượng đường vận chuyển vào các tế bào giảm và lượng tích tụ trong máu tăng, dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

Dấu hiệu thường thấy ở đái tháo đường

  • Triệu chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường:
  • Mệt mỏi
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Khát nước nhiều
  • Tiểu nhiều
  • Ăn nhiều
  • Chậm lành vết thương
  • Nhiễm trùng
  • Thay đổi về trạng thái tâm thần
  • Nhìn mờ
  • Triệu chứng bệnh nặng của đái tháo đường:
  • Tăng đường huyết
  • Tăng ketones trong nước tiểu với những dấu hiệu như ăn không thấy ngon, yếu mệt, ói mửa, sốt, đau dạ dày, hơi thở có mùi thơm trái cây (mùi ceton).
  • Tăng áp lực thẩm thấu khi đường huyết tăng trên 600 mg/dL, môi khô, khát nước nhiều, sốt trên 38 độ C, giảm thị lực, ảo giác, nước tiểu sậm màu.

Những biến chứng của đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh nguy hiểm với những biến chứng đa dạng, trong đó phổ biến là ảnh hưởng đến mắt, thận, tim mạch và thần kinh. 

  • Biến chứng ở mắt: Bệnh đái tháo đường gây tổn thương vi mạch, ảnh hưởng trực tiếp tới võng mạc, có thể gây mù lòa
  • Biến chứng ở thận: Đường huyết tăng cao thường xuyên trong máu do đái tháo đường sẽ làm tổn thương hệ thống lọc của thận. 
  • Biến chứng tim mạch: Có 2 loại bệnh tim mạch thường gặp trên bệnh nhân đái tháo đường: bệnh mạch vành và suy tim.
  • Biến chứng thần kinh: Bệnh thần kinh do đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng như mất cảm giác chân, khớp Charco, nhiễm trùng tiểu và tiểu không kiểm soát, hạ đường huyết không cảnh báo, huyết áp thấp, rối loạn tiêu hóa…

Trên đây là tổng hợp của chúng tôi về bệnh đái tháo đường. Hi vọng những thông tin này có thể giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý và chăm sóc cơ thể luôn khỏe mạnh.

Chúc bạn thành công!

Leave a Comment